Du Lịch Việt Nam

Tour Đảo Khỉ Nha Trang

Tour Đảo Khỉ Nha Trang

Tham Quan khu du lịch Vịnh Nha Phu



Chương Trình Tour Tham quan Khu Du Lịch Vịnh Nha Phu
8h00  xe đưa quý khách từ khách sạn ra cầu cảng Đá Chồng
09h00 tàu đưa quý khách đến Hòn Thị
Bắt đầu chương trình du ngoạn Vịnh Nha Phu với những chú Đà Điểu Châu Phi và đàn Hươu, Nai trong khu rừng tự nhiên...
09h45 tàu  đưa quý khách đến Suối Hoa Lan

Du Lịch Đảo Vịnh Nha Phu



Tham quan Suối Hoa Lan , Động Lan rừng cây hoá thạch lung linh muôn sắc Hoa Lan...
Khám phá Mê Cung Trận Đồ, với những đường đi lắt léo giữa rừng dương xanh thẳm.
Tắm biển và thưởng thức trái cây ,rượu nhẹ, chèo xuồng ngắm cảnh Hồ Nghinh Xuân,Thuỷ Tiên và thưởng thức chương trình xiếc thú ,Gấu Voi,v v,
Tham gia chụp hình cưỡi  Đà Điểu,Voi, và các dịch vụ thể thao Cano kéo dù , thuyền  Kayak phao chuối,( dịch vụ này quý khách tự trả)
Thuyền Vịnh Nha Phu
12h30 Quý khách về dùng cơm trưa Buffer tại Nhà Hàng Hưong Lan thuộc Vịnh Nha Phu và thư giãn nghỉ ngơi ở Nhà Nấm bên bờ biển xanh.
13h30 tàu đưa quý khách đến Hòn Lao ( khu sinh thái đẹp nhất Nha Trang ) thuộc Vịnh Nha Phu

Quý khách sẽ tiếp xúc thân thiện với đàn khỉ tự nhiên và xem xiếc thú, và tham gia đua xe ôtô mini F1
16h45 tàu đưa quý khách về lại cầu cảng Đá Chồng
17h00 xe đưa quý khách về lại khách sạn kết thúc chương trình Du Lịch Vịnh Nha Phu.
                              Giá tour: 430.000đ/kháchBao gồm: Xe đưa đón tại khách sạn, tàu tham quan vịnh, phí tham quan, ăn trưa Buffer, khăn lạnh, nước khoáng, bảo hiểm hướng dẫn thuyết minh theo chương trình.

Liên Hệ Mr Huy: 0905-319-135 để láy vé
 


Trò Flyboard ở Việt Nam

Đến Nha Trang - Khánh Hòa trong mùa du lịch hè này, nhiều du khách đã tỏ ra rất thích thú đối với bộ môn thể thao trên biển mới xuất hiện lần đầu tại thành phố Nha Trang nói riêng và tại Việt Nam nói chung. Môn thể thao đó chính là Flyboard - một thiết bị bay cá nhân sử dụng lực đẩy của nước và với lực đẩy này đã giúp cho người chơi thực hiện được nhiều động tác nhào lộn khó tưởng tượng. Mới mẻ và hấp dẫn, Flyboard đang thu hút sự tò mò thử sức của nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ khi đến với Nha Trang - Khánh Hòa
.
Vụt bay lên không trung như một siêu anh hùng trong các bộ phim hành động của Hollywood... Tự do bay lượn rồi lao mình xuống làn nước xanh ngắt của biển cả như điệu vũ của một chú cá heo...Những hình ảnh như vậy đã không còn là mơ tưởng trong phim ảnh hay là hiện thực ở một vùng đất xa xôi nào đó, mà nó đang xuất hiện ngay tại thành phố biển Nha Trang.

 

Môn thể thao dưới nước này được gọi là Flyboard - một thiết bị bay cá nhân sử dụng lực đẩy của nước. Mới lạ và hấp dẫn, Flyboard đang thu hút sự tò mò, mong muốn khám phá và trở thành môn thể thao dưới nước được nhiều du khách thử sức khi đến với thành phố biển Nha Trang - Khánh Hòa.

  Ấn tượng với những hình ảnh trên các website và nghe giới thiệu từ bạn bè khi đến Nha Trang tham quan, du lịch, anh Đặng Ngọc Bảo - du khách đến từ TP Hồ Chí Minh đã tìm đến thử sức với môn thể thao dưới nước hấp dẫn này. Sau khoảng 5 - 7 phút làm quen với Flyboard, học cách giữ thăng bằng, và cũng nếm thử kha khá vị mặn của nước biển, anh đã có thể bay từ dưới nước lên như một “người hùng” thực thụ. Anh Đặng Ngọc Bảo chia sẻ do đã biết môn Flyboard này là từ you tube, từ internet, facebook. Việt Nam thì ở Khánh Hòa là nơi đầu tiên có môn Flyboard này, nhân dịp nghỉ lễ tôi đi Nha Trang du lịch, nghỉ dưỡng vừa thử chơi môn này. Với nhiều du khách, lần đầu tiên đứng trên Flyboard không hề dễ, nhưng cảm giác chinh phục được môn thể thao mạo hiểm, mới lạ này, cùng với cảm giác bay giữa không trung thực sự là một dấn ấn khó quên. Cũng như nhiều môn thể thao dưới nước khác, Flyboard đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe tốt, không nhất thiết phải biết bơi nhưng quen với môi trường nước để có thể thực hiện được các động tác nhào lộn dưới nước và trên không trung. Sự xuất hiện của Flyboard trên biển Nha Trang đã tạo thêm dấu ấn cho các môn thể thao trên biển đang có mặt tại thành phố biển như: dù lượn, jetski, lướt ván dù, thuyền buồm, phao chuối…góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển, thu hút du khách đến khám phá vẻ đẹp của thành phố biển.
Liên hệ đặt tour: Mr Huy : 0905-319-135

Gốm Bầu Trúc của người Chăm và đặc sản tại Phan Rang Ninh Thuân

Bầu Trúc có tên gọi theo tiếng Chăm là "palei Hamu Craok", thuộc khu phố 7, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Với dân số khoảng 570 hộ, 4.043 nhân khẩu (2012), người Chăm Bầu Trúc đa phần đều biết làm gốm. Nghề gốm xuất hiện từ lâu và được truyền từ đời mẹ sang con. Tuy nhiên nghề gốm gần như bị mai một suốt thời gian dài bởi đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm gốm không được tiêu thụ.
Người Chăm làm gốm
Gốm Bầu Trúc đặc sắc ở chỗ kỹ thuật làm gốm theo phương pháp thủ công truyền thống, tất cả công đoạn tạo ra sản phẩm đều làm bằng tay với những công cụ hết sức thô sơ. Người phụ nữ đảm nhiệm phần lớn các công đoạn làm gốm.
Ngày xưa các sản phẩm làm ra từ gốm Bầu Trúc đều phục vụ cho đời sống tinh thần tôn giáo của người Chăm như các vật dụng dùng trong các đám tang, đám cưới…và một số ít vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày như nồi (gaok), niêu (klait), lu (blu…) và một số vật dụng phục vụ cho ẩm thực còn tồn tại cho đến ngày hôm nay như khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, niêu nấu cơm phổ biến ở Đà Lạt.
Ngày nay gốm Chăm đã có sự cách điệu từ hình mẫu đến họa tiết trang trí, các sản phẩm làm ra đều có xu hướng làm vật trưng bày trong nhà ở, khách sạn, nhà hàng cao cấp như: lọ hoa, bình nước, đèn ngủ, đèn trang trí, các hình tượng văn hoá Champa… được sử dụng trong trang trí nghệ thuật và trở thành những sản phẩm nổi tiếng được tiêu thụ trong nước và quốc tế, đồng thời là sản phẩm lưu niệm cho du khách tham quan.
Các sản phẩm gốm
Trong các sản phẩm gia dụng mà gốm Bầu Trúc làm ra có khuôn đổ bánh căn, bánh xèo là hai vật dụng được dùng để chế biến món ăn phổ biến và là đặc sản ngon nhất ở Ninh Thuận hiện nay.
Bánh căn
Xuất xứ của bánh căn là món ăn đặc trưng của người Chăm, qua quá trình tiếp biến, người Việt nơi đây đã học hỏi và sáng tạo thêm nhiều cái mới, làm món ăn này thêm đặc sắc và trông hấp dẫn hơn.
Nguyên liệu là bột gạo, qua giai đoạn ngâm, pha trộn thêm cơm nguội khi xay bột, đo liều lượng nước và gạo sao cho phù hợp để bánh không bị nhão, cũng không bị khê khi nướng bánh… là những bí quyết được truyền tụng từ đời này sang đời khác của người dân Phan Rang.
Bánh xèo tôm
Từ chập choạng tối, người bán bánh căn đã tất bật xay bột, quạt than, nướng lò. Bánh căn phải nướng trên lò than hồng mà không có cách nào khác có thể thay thế được. Lò than đã đỏ rực, khuôn đã tỏa ra hơi nóng, là lúc người bán bắt đầu đổ bánh. Chiếc bánh căn trắng tinh, nóng hổi, nhân là trứng, mực, thịt và tôm… tùy theo ý thích của người thưởng thức, bánh được cạy ra khi vừa chín tới là được thả ngay vào tô hành lá xắt nhuyễn. Chiếc bánh điểm thêm màu xanh của hành lá, nhìn càng ngon. Bánh căn được ăn kèm với nước chấm như nước cá kho, xíu mại, trứng luộc, nước mắm xoài, mắm cái, mắm đậu phộng...
Để thưởng thức bánh căn ngon, du khách có thể đến góc đường Đoàn Thị Điểm - 16/4 đối diện Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận. Đây chỉ là quán cóc nhỏ vỉa hè nhưng có món bánh căn được xem là ngon nhất nhì Phan Rang.
Bánh xèo
Bánh xèo Phan Rang khác hẳn bánh xèo Nam bộ. Mỗi chiếc bánh nho nhỏ như hình một chiếc đĩa con, bột tráng mỏng mà không rách, tôm mực thịt hành giá phủ bên trên thơm lựng, màu bột chín hơi ửng vàng thật bắt mắt. Chiếc bánh giòn rụm, vị béo thơm ngọt bùi, ăn một miếng thì ngay lập tức muốn ăn miếng thứ hai.
Để thưởng thức bánh xèo ngon nhất ở Phan Rang du khách nên đến các quán cóc vỉa hè dọc hai bên đường Quang Trung, nơi đây tập trung nhiều quán bánh xèo ngon có tiếng.
 
Làm bánh xèo
Người Phan Rang tin rằng khuôn đổ bánh căn, bánh xèo phải là khuôn được làm từ làng gốm Bầu Trúc thì bánh mới ngon. Phải là khuôn nặn từ đất sét sông Quau, cộng với bàn tay và tình yêu thương xứ sở của người Chăm Bầu Trúc nơi đây, chiếc khuôn mới kết hợp trọn vẹn với tài làm bánh của người dân Ninh Thuận, vị của món ăn này mới mười phần vẹn mười.

Điệu xòe của người Thái tại Mường Lò

Mường Lò là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa Thái, nó thu hút khách gần xa không chỉ bởi những nếp nhà sàn, chiếc khăn thổ cẩm hay các lễ hội độc đáo mà còn bởi những điệu xòe cổ nhịp nhàng và tinh tế.

Nếu như người Thái gửi gắm sự duyên dáng của thiếu nữ vào chiếc khăn piêu, sự khéo léo vào mâm xôi ngũ sắc, thì tình yêu thương cuộc sống, con người cùng ước mơ khát vọng lại được gửi trong từng nhịp trống, điệu xoè. Điệu xòe của người Thái có mặt ở nhiều vùng trong cả nước, nhưng nói tới cái nôi của 6 điệu xòe cổ, khởi nguồn cho hơn 30 điệu xòe nổi tiếng phải nhắc tới Mường Lò.
người Thái Mường Lò đang múa những điệu xòe
  • Điệu xòe vòng

Xòe vòng hay xé vòng là một trong những điệu xòe cổ lâu đời, có sức hút mãnh liệt không chỉ với nguời dân địa phương mà với cả du khách trong và ngoài nuớc. Điệu xòe vòng không phân biệt già trẻ, gái trai khi cùng nhau nắm tay bước vũ quanh ánh lửa. Nhạc cụ chủ đạo phục vụ múa xòe là công và cống. Công là loại trống dài từ 1,5 m đến 3 m, đường kính 5-7 cm, hai đầu bịt da trâu, bò. Cống là loại trống dài khoảng 1 m, đường kính khoảng 45 cm làm bằng thân cây gỗ đục rỗng, hai đầu bọc da trâu hoặc da bò.
Tiếng công, tiếng cống trong, gọn, vang xa hòa trong tiếng chiêng rộn ràng như giục giã, lôi cuốn người xem hào hứng nhập cuộc vui. Chỉ vài ba bước nhún nhảy giản đơn, bạn hoàn toàn có thể nhập vòng xòe tạo nên một không khí đông vui, nhộn nhịp. Bởi thế mà vòng xòe lúc đầu chỉ có vài ba người khởi xướng sau không ngừng mở rộng theo tiếng nhạc vang dồn.
Một trong các điệu xòe
  • Điệu vòng tròn vỗ tay

Xòe vòng tròn vỗ tay còn có tên gọi khác là xé ỏm lọm tốp mứ. Cũng bước vũ theo vòng tròn như xòe vòng nhưng thay vì nắm tay nhau. thì những người tham gia điệu này vỗ tay lúc bên phải, lúc bên trái tạo nên không khí vui tươi. Hơn nữa, sự linh hoạt trong bước vũ khi di chuyển theo vòng tròn từ trái qua phải rồi ngược lại, nhảy co từng chân cùng nhịp vỗ tay theo tiếng trống khiến điệu xé ỏm lọm tốp mứ trở nên rộn rã. Do vậy xòe vòng tròn vỗ tay luôn được người Thái tổ chức sau mùa vụ bội thu, săn bắt thú rừng, mừng nhà mới, hay đám cưới, hội xuân.
  • Điệu tung khăn

Điệu xòe tung khăn còn được gọi là điệu nhôm khăn. Có tên gọi như vậy bởi chiếc khăn gần như trở thành linh hồn của điệu múa. Người xòe quàng cổ khăn thổ cẩm sặc sỡ, hai tay cầm hai đầu khăn piêu tung lên phấp phới theo từng nhịp chân tạo nên vòng tròn đẹp mắt.
Vòng xòe tung khăn tiến lùi theo nhịp trống, dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ. Vì thế khi nhìn từ bên ngoài, vòng xòe như bông hoa bừng nở, rực rỡ sắc màu. Nhôm khăn được coi là điệu xòe sôi động nhất, diễn tả sự tươi vui, phấn khởi khi mùa màng bội thu. Đồng thời chiếc khăn thổ cẩm trong điệu xòe này cũng là sự thể hiện thành quả lao động đầy tinh tế.
  • Điệu bổ bốn

Khác với các điệu xòe trên, trong điệu xòe bổ bốn hay phá xí, người xòe xếp thành hai hàng từ hai bên, quay mặt vào nhau, tay trong tay tiến vào tạo thành vòng tròn, từ vòng tròn trung tâm tỏa ra thành bốn vòng tròn nhỏ xung quanh như bông hoa ban năm cánh, vừa có ngụ ý dù đi bốn phương trời nhưng vẫn luôn hướng về nhau, về nguồn cội.
Các vòng tròn nhỏ không cố định mà biến thể lúc thành hình vuông, lúc thành hình thoi, hình bình hành. Người xòe vì thế vừa biến đổi tạo hình vừa nhún bước theo nhịp trống, tay đan tay cùng trong bước tiến. Xòe bổ bốn không chỉ diễn tả tình đoàn kết gắn bó keo sơn mà còn mang bóng dáng quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương ngũ hành một cách tinh tế và sâu sắc.
Điệu xoè làm ngất ngay lòng người
  • Điệu tiến lùi

Ngay từ tên gọi, ta đã có thể hình dung được phần nào các bước vũ trong điệu tiến lùi hay còn gọi là đổn hôn. Trong điệu này, người xòe từ hai bên bước lên xen kẽ nhau tạo thành vòng tròn, tiến lên rồi lùi lại so le chéo nhau dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ, hai tay xòe ngang thắt lưng.
Những bước xòe đan xen nhịp nhàng trong điệu đổn hôn như lời khẳng định dù trời đất đổi dời nhưng tình người vẫn vẹn nguyên, cuộc sống có lúc nghiêng ngả nhưng lòng người thì không đổi thay.
  • Điệu nâng khăn mời rượu

Trong điệu xòe nâng khăn mời rượu hay khắm khăn mơi lảu, bên cạnh nét dịu dàng, uyển chuyển trong từng bước nhún, nhịp đi là lời mời rượu chân tình của những cô gái Thái. Nụ cười duyên dáng cùng bàn tay mềm mại khi nâng chiếc khăn mời chén rượu nồng làm đắm say biết bao lữ khách phương xa, để rồi chẳng thể nào quên khi được một lần tham gia điệu múa.
Nếu muốn một lần tham gia hay tận mắt chiêm ngưỡng những điệu xòe Thái cổ, hãy đến với Mường Lò, Nghĩa Lộ vào những ngày cuối tháng 9, bởi đây chính là nơi diễn ra màn đại xòe cổ lớn nhất Việt Nam.

Dấu tích những tòa thành cổ ở Việt Nam


Những mảng tường bằng đá ong hay chiếc cổng thành đổ nát được phủ rêu phong cổ kính còn sót lại như dấu tích của các công trình kiến trúc độc đáo thời xa xưa.
Thành cổ Sơn Tây

Nằm giữa thị xã Sơn Tây cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km, thành cổ Sơn Tây là một công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo nhất Việt Nam được xây dựng vào năm 1822, năm Minh Mạng thứ 3.

Dấu thời gian của Thành Cổ Sơn Tây
Trong thành, các công trình được xây dựng theo kiểu đối xứng trên trục trung tâm Nam - Bắc. Chính giữa là Vọng cung nữ là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần và là nơi để các quan trong trấn hằng năm tới tế lễ hoặc bái vọng mỗi khi có chiếu chỉ.
Ấn tượng đầu tiên du khách dễ dàng cảm nhận ở thành cổ Sơn Tây là hình ảnh những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm. Những bộ rễ sần sùi vươn dài ôm trọn lấy những bờ tường rêu phong, những cổng thành liêu xiêu tạo một nét đẹp cổ kính.
Thành có bốn cổng chính: chính Nam gọi là cổng Tiền, chính Bắc là cổng Hậu, hai cổng Tả và Hữu. Trải qua gần 200 năm với bao thăng trầm lịch sử, thành cổ Sơn Tây chỉ còn lại những bức tường thành, cửa Tiền, cửa Hậu, hai khẩu súng thần công và một số phế tích của Vọng lâu, điện Kính Thiên, giếng nước...
Hoàng Thành Thăng Long
Di tích Hoàng Thành Thăng Long
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội có tổng diện tích 18,395 ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn.
Theo lịch sử, năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý. Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Ngay sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành.
Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ.
Thành nhà Hồ, di sản văn hóa thế giới

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai), kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ) được Hồ Quý Ly cho xây dựng năm 1397 trong thời gian ba tháng tại xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc ngày nay.
Theo sử liệu, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần. Thế đất được chọn nằm ở khu vực giữa sông Mã và sông Bưởi, phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngọa, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía nam là nơi hội tụ của sông Mã và sông Bưởi.
Thành nhà Hồ gồm ba bộ phận: La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.
Toàn cảnh đường vào thành nhà Hồ
Nét độc đáo của thành nhà Hồ là kiến trúc vòm. Tương truyền để xây dựng được những vòm cuốn đồ sộ như vậy, người ta đã cho đắp đất tạo cốt trước, sau đó mới chế tác các khối đá thành hình thang hay hình thang cân rồi xếp chồng khít lên nhau, cuối cùng người ta moi đất ra tạo thành những vòm cuốn khổng lồ

Phở lang thang ký

Có thể ở chỗ khác, tiếng xì xoạp gợi lên cái “bất lịch sự”, nhưng khi ăn phở thì cái sự này được đặt sang bên và nhường vào đó là tiếng ngầm nói rằng “Chao ôi, ngon miệng quá!”.
Sớm thu, tiết trời mát mẻ dễ khiến đôi chân có hoa phải chạy nhảy. Mọi ngày thì đi thêm chúng bạn cho vui, nhưng hôm nay muốn đi một mình. Vừa lan man suy nghĩ những thói thường, tay lái tự đưa đến phố Huỳnh Thúc Kháng tự lúc nào. May quá, mới khoảng 6h20, khách còn ít, tranh thủ gọi bát tái gầu theo thói quen.
Quán phở này mới được xây thêm cho khang trang chứ ngày trước bé tèo, thưa khách, nhưng được cái phục vụ rất chu đáo. Số phận một cái quán cũng như con người, lúc thăng lúc trầm. Sau nhiều năm chật vật gây dựng, quán thành công, vừa có tiếng phở ngon vừa có tiếng phục vụ tốt. Rồi có lúc quá đông khách, chủ quán hơi lơ là phục vụ khiến cho cả khách quen cũng phải rời đi. Những va vấp giúp cho quán có thái độ tiếp khách và phục vụ cải thiện nhiều.
món quà của người Hà Nội

Nói đến phở, trước hết là một món quà ngon, món quà để “ăn hương ăn hoa” buổi sáng chứ không ăn lấy no. Quà này có ở nhiều miền đất nước chứ không riêng gì vùng nào. Ấy vậy mà không hiểu sao, phở Bắc hay phở Hà Nội có cái cuốn hút riêng. Thế nên mới có mấy tản văn của các cụ Vũ Bằng, Băng Sơn… khiến cho nhiều thế hệ người Việt lẫn nước ngoài mê mẩn những ngôn từ phóng túng mà chọn lọc. Các cụ đã đưa độc giả hưởng không khí của một Hà Nội xa xưa và còn dẫn thực khách đi thưởng thức món quà này.
Khi bát phở được đặt ra bàn, nếu là phở ngon, thực khách có thể hít lấy mùi thơm lừng của nước phở trong vắt. Phở gà mùi riêng, phở bò mùi riêng không lẫn được. Những người gầy thì hay hỏi thêm nước béo, có người thích ăn thêm trứng gà thả trong bát luôn, thêm dấm, ớt tùy người dùng, miễn sao ngon theo ý mình.
Bánh phở bây giờ chủ yếu to và mềm, không còn sợi nhỏ như trước đây. Tô đựng phở bây giờ cũng đẹp, chủ yếu bằng sứ và dầy để tăng tính thẩm mỹ lẫn chống nóng cho khách cầm bát. Thực khách có thể ăn nhâm nhi để “ngẫm” mùi vị nhưng cái ngon của phở lại nằm ở chỗ ăn làm sao đủ nhanh để thấy được cái nóng và vị ngon hòa lẫn nhau. Khi ăn, có thể chọn ăn cái trước, nước sau hay vừa cái vừa nước nhưng khi thưởng thức từng thìa nước thì nhất thiết nên xì xọap. Có thể ở chỗ khác, tiếng xì xoạp gợi lên cái “bất lịch sự” nhưng khi ăn phở thì cái sự này được đặt sang bên và nhường vào đó là tiếng ngầm nói rằng “Chao ôi, ngon miệng quá!”.
Theo tương truyền, có mấy quán nổi tiếng lâu năm như phở Thìn Bờ Hồ, phở Cồ Cử, phở Bát Đàn… Còn nếu nói đến chất lượng phục vụ thì số lượng quán e rằng chẳng còn bao nhiêu. Ngày nay, khi mà phần giá cả bình quân dần dần lấp khoảng cách giữa các quán cũ lẫn mới là khoảng 20-25 nghìn cho một bát phở, cuộc sống người dân bây giờ khá giả hơn, sức cạnh tranh chất lượng giữa các nhà hàng đã giúp cho thực khách có nhiều lựa chọn. Nếu ai thích ăn phở bò, lời khuyên là đến quán ở 58 ở phố Huỳnh Thúc Kháng một lần. Nếu ai thích ăn phở gà, có khi ghé qua quán phở Bản ở phố Tôn Đức Thắng trước. Ăn ở đó xong hãy đến mấy quán cũ kể trên, bởi đó là một sự trải nghiệm thú vị đấy.
Mà thôi, mắm môi mắm lợi xì xụp mấy thìa nước phở nóng xong, thấy sảng khoái hẳn. Thế là yên tâm khỏi phải lo ông bạn dạ dày kêu than nữa rồi. Đơn giản vậy thôi.